A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhận biết sớm sốt xuất huyết để tránh tử vong

Theo Bộ Y tế, trong 2 tháng đầu năm nay, số mắc sốt xuất huyết cả nước tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt tại một số tỉnh khu vực miền Nam và miền Trung.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết trước các tháng cao điểm mùa mưa, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo Bộ Y tế, sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ: Mức độ 1, phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời. Mức độ 2, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, người bệnh được cho nhập viện điều trị. Mức độ 3, sốt xuất huyết nặng bao gồm: sốc, xuất huyết nặng, suy tạng nặng, người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu.

 

Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM

Nhật Thịnh

Bệnh có triệu chứng sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Lưu ý, giai đoạn nguy hiểm thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh, với biểu hiện còn sốt hoặc đã giảm sốt; đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau, nhất là ở vùng gan; vật vã, lừ đừ, li bì; xuất huyết dưới da: nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím; xuất huyết niêm mạc: chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu; xuất huyết nặng: chảy máu mũi nặng (cần nhét bấc hoặc gạc cầm máu), xuất huyết âm đạo nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng (phổi, não, gan, lách, thận)…

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Trong một số trường hợp, bệnh có thể chuyển nặng và có triệu chứng tương tự cúm, gây nguy hiểm cho mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh đến người trưởng thành. Một số trường hợp hiếm gặp, bệnh trở nặng đột ngột, có các triệu chứng nguy hiểm hơn và tiến triển thành sốt xuất huyết thể nặng.

Sốt xuất huyết thể nặng có khả năng biến chứng gây tử vong với các dấu hiệu cảnh báo gồm: đau bụng dữ dội, nôn mửa, thở gấp, chảy máu lợi, nôn ra máu, mệt mỏi, nôn hoặc đại tiện ra máu.

Khi bệnh nhân xuất hiện một trong các dấu hiệu trên, phải ngay lập tức tìm kiếm sự trợ giúp y tế. 

nguồn : https://thanhnien.vn/nhan-biet-som-sot-xuat-huyet-de-tranh-tu-vong-185230323122636413.htm


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức y tế